Trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt quản lý an toàn thực phẩm lên hàng hóa nhập khẩu bằng cách ban hành lệnh 248, lệnh 249, lối đi nào cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc?
Đôi nét về lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc
Ngày 12/4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” (Quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc)
Ngày 14/4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 249 “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” (Quản lý thực phẩm xuất nhập khẩu)
Cả 2 lệnh này đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam bắt buộc phải tuân theo các quy định mới nếu muốn xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc gia tăng các quy định kiểm soát an toàn thực phẩm:
- Tăng tỷ lệ lấy mẫu giám sát thực phẩm nhập khẩu
- Nộp báo cáo kiểm nghiệm theo lô
- Tạm dừng/ đình chỉ/ cấm nhập khẩu đổi với doanh nghiệp vi phạm
- Thiết lập chế độ kiểm tra, đánh giá tình hình quản lý an toàn thực phẩm ở nước ngoài
- Bổ sung phương thức kiểm tra đánh giá, quản lý đăng ký doanh nghiệp nước ngoài, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và truy hồi sản phẩm theo yêu cầu giám sát
- Yêu cầu trách nhiệm đôn đốc của các cơ quan có thẩm quyền quản lý của quốc gia xuất khẩu.
- Đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Việt Nam phải đăng ký doanh nghiệp trên “Hệ thống quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất nước ngoài nhập khẩu thực phẩm” tại www.singlewindow.cn
Tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sau khi lệnh 248, 249 có hiệu lực
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch đạt hơn 1,83 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ 2021; nhập khẩu đạt 515 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ 2021. Những thống kê trên cũng cho thấy phần nào ảnh hưởng của Lệnh 248, 249 đối với nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo vi phạm về thủ tục giấy tờ không đảm bảo tiêu chuẩn, tem nhãn, bao bì hàng hóa, các chỉ tiêu chất lượng…Đáng buồn hơn là Việt Nam nằm trong TOP 10 quốc gia vi phạm quy định xuất nhập khẩu của Trung Quốc, con số này đang có xu hướng tăng lên.
Trước đây, xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc khá dễ dàng, ngoài xuất khẩu chính ngạch còn xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và siết chặt buôn bán tiểu ngạch. Những thay đổi về quy định nhập khẩu của Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam loay hoay tìm đường ra cho sản phẩm.
Về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi để thích ứng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm để giữ uy tín thương hiệu nông sản Việt Nam, tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường xuất khẩu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chuyển sang chính ngạch càng sớm càng tốt, điều này đòi hỏi sự chuẩn xác từ giai đoạn nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, đóng gói đến bảo quản, lưu trữ, thương mại.
Các doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Các vùng nuôi trồng, chế biến đóng gói phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn và được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế như ISO 22000, HACCP, GMP thực phẩm.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải chủ động trong việc quản lý, cập nhật hồ sơ, nhật ký ghi chép để phục vụ cho hoạt động kiểm tra thực địa, kiểm tra trực tuyến đột xuất của phía Trung Quốc.
Tính đến ngày 6/6/2022, có 2156 doanh nghiệp (DN) Việt được cấp mã số để xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Việc DN được cấp mã số còn chậm do nhiều doanh nghiệp trong nước chưa có nghiệp vụ, chưa nắm rõ yêu cầu Lệnh 248, lệnh 249 của Hải quan Trung Quốc, từ đó loay hoay trong việc đăng ký tài khoản và hoàn thiện quy trình tiếp cận. Ngoài ra, thực tế cũng ghi nhận một số khó khăn trong việc xin cấp mã số doanh nghiệp như: Hệ thống đăng ký bị lỗi, giao diện đăng ký chỉ hỗ trợ tiếng Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp…
Để giải quyết khó khăn này, Bộ NN-PTNT, với cơ quan đầu mối thông tin là Văn phòng SPS Việt Nam, cũng tích cực trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan: Bộ Công thương, Bộ Y tế, các cơ quan quản lý để đẩy nhanh triển khai tiếp việc đăng ký cấp mã số doanh nghiệp.